NHÀ GIÁO NGUYỄN THỊ HỒNG AN NGƯỜI XÂY DỰNG NGÔI TRƯỜNG HẠNH PHÚC

          Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An đã đặc biệt chú trọng xây dựng Văn hóa trường học tại Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long. Văn hóa trường học là các chuẩn mực giúp cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh có cách suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp; Kính trên, nhường dưới, thân thiện với mọi người. Truyền thống của người Việt xưa nay vẫn có tinh thần “Tôn sư trọng đạo, nên văn hóa nhà trường là yếu tố quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những con người sống có hoài bảo, có lý tưởng tốt đẹp, có nhân cách tốt, có đủ tri thức để trở thành những công dân tốt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước”.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng văn hóa nhà trường, từ năm học 2019-2020, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An đã  khởi xướng và bắt tay vào xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc”

 Trong chiến lược xây dựng Ngôi trường hạnh phúc tại Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường là người khởi xướng và giữ vai trò chỉ đạo, dẫn dắt cụ thể từng hoạt động, từng mục tiêu cần đạt.

 Trong đó nội dung nổi bật là:

1. Giáo viên, cán bộ, nhân viên: Gắn bó với trường, yêu trường, tự hào về trường, làm việc vì lý tưởng, vì mục tiêu chung của trường => Giáo viên hạnh phúc.

2. Hoc sinh: Hứng khởi khi đến trường, yêu thương thầy cô, tự hào về ngôi trường mình theo học, biết tôn trọng, yêu thương mọi người => Học sinh hạnh phúc. 

3. Phụ huynh: Ghi nhận con họ thay đổi tích cực, thấy con được chăm sóc, giáo dục tốt, môi trường an toàn, tin tưởng nhà trường => Phụ huynh hạnh phúc.

Để đạt được mục tiêu Trường học hạnh phúc, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An căn cứ theo 3 tiêu chí cốt lõi của 1 Trường học hạnh phúc (Tôn trọng, an toàn, yêu thương) để tổ chức thực hiện. Những tiêu chí này đều hướng đến yếu tố con người.

1. Tôn trọng

Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung, áp đặt cho người khác. Nếu tất cả đều giống nhau thì đâu còn sự sáng tạo, triệt tiêu luôn những tư tưởng đổi mới. Vậy nên, cần khuyến khích sự khác biệt và tôn trọng cá nhân. Giáo viên, nhân viên được tôn trọng sẽ tạo động lực cho họ sáng tạo, thay đổi, đề xuất sáng kiến. Học sinh được tôn trọng, lắng nghe, được đối xử công bằng.

2. An toàn

Trong trường học, phải an toàn về thể chất và tinh thần, cả giáo viên và nhân viên:

+ Học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là ở nhà mình, ăn ngủ, vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ,  an toàn.

+ Với giáo viên, cán bộ, nhân viên, đảm bảo về an toàn về môi trường làm việc, lương thưởng, thăng tiến nghề nghiệp để họ yên tâm công tác.

3. Yêu thương

+ Quan tâm:  Lãnh đạo quan tâm giáo viên, nhân viên, đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ nhau, giáo viên quan tâm đến từng học sinh, và học sinh quan tâm đến nhau.

+ Chia sẻ: Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra sự gần gũi và không có khoảng cách.

+ Tin tưởng lẫn nhau: Đồng nghiệp tin tưởng lẫn nhau, giáo viên tin tưởng học sinh và ngược lại.

+ Sự bao dung: Không ai có thể hoàn hảo, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng khi đã có sự bao dung thì mọi việc sẽ được nhìn nhận theo hướng tích cực, nhẹ nhàng.

Ngoài những tiêu chí trên, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An nhấn mạnh rằng, để học sinh và phụ huynh hạnh phúc thì yếu tố cốt lõi cần xây dựng của 1 tổ chức giáo dục là: Chất lượng dạy và học.

+ Đạt được mục tiêu dạy và học: Học sinh hình thành những năng lực mà nhà trường mong muốn (về Kiến thức + Kỹ năng + Nhân cách)

+ Các con học sinh được tạo điều kiện phát triển bản thân; được tôn trọng, an toàn, yêu thương giúp đỡ nhau; Nhận được sự chăm sóc tốt từ các giáo viên, nhân viên nhà trường.

+ Đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh, học sinh. Đây là yếu tố tạo nên sự tín nhiệm, tin tưởng của phụ huynh, của học sinh, và xã hội. Họ cảm nhận thông qua dịch vụ chuyên nghiệp của các bộ phận chức năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của thầy cô, qua những đánh giá từ bên ngoài, qua kết quả học tập của học sinh.

Ngoài ra, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An còn đặc biệt chú trọng các lĩnh vực như môi trường thiên nhiên, lớp học xanh sạch đẹp; văn hóa giáo tiếp công vụ; văn hóa giao tiếp xã hội trong môi trường giáo dục, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với nhiều tiện ích.

          Với thâm niên công tác trong ngành giáo dục suốt hơn 40 năm, lại là một trong những Hiệu trưởng “gạo cội” trong ngành giáo dục Quảng Ninh, Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng An luôn rèn luyện chính mình và đồng nghiệp lời nói, cử chỉ đúng mực, luôn luôn suy nghĩ kỹ, thận trọng và ý thức trách nhiệm với việc làm của chính mình và đồng nghiệp. Phần đông chúng tôi là những “đồng chí cháu” luôn dành cho Cô, người Hiệu trưởng nhà trường những tình cảm trân trọng, quí mến và cũng luôn gần gũi, không có khoảng cách giữa lãnh đạo và giáo viên, nhân viên.

Với tâm huyết xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, đoàn kết là động lực, trong nhiều năm qua Nhà trường luôn đạt được nhiều kết quả to lớn trong dạy và học, được các cấp khen thưởng với nhiều hình thức:

Về thành tích tập thể, từ năm 2013 đến 2020 đã 7 năm liên tục nhà Trường đạt được:  Giấy khen của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Quảng Ninh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Giấy khen Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học. Từ 2016- 2020 nhà trường đã 4 năm liền dành danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

Về thành tích cá nhân, Cô Nguyễn Thị Hồng An từ năm 2013 đến 2020 đã 7 năm liên tục nhận được Giấy khen của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Quảng Ninh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Giấy khen Đảng bộ khối doanh nghiệp cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” các năm 2015 và 2017

          Không chỉ thấy được giá trị, vai trò của văn hóa nhà trường, chủ đạo là chiến lược xây dựng “Ngôi trường Hạnh Phúc” Cô đã có tầm nhìn, xác định được những giá trị cao cả mà mỗi học sinh phải vươn tới từ đó cô Nguyễn Thị Hồng An  đã định hướng cho học sinh 3 cặp giá trị cốt lõi “Nề nếp - kỷ cương, Yêu thương - đoàn kết, Tự lập- tự tin”. => các con học sinh sau khi học hết lớp 12 tại ngôi Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long có có đủ hành trang để bắt đầu làm chủ tương lai của chính mình.

Xác định được những giá trị cốt lõi cho mỗi học sinh phải theo đuổi đã khó nhưng cái khó hơn là việc tổ chức thực hiện một cách bài bản, bền bỉ thường xuyên trong nhà trường. Do đó tại trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long chức năng, nhiệm vụ của thầy cô giáo không dừng lại ở truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn là chức năng “Thụ nhân” trồng người. Văn hóa nhà trường, Trường học hạnh phúc chỉ được hình thành khi các thành viên trong mỗi nhà trường đều đồng loạt tư duy và hành động thống nhất theo mục tiêu chiến lược trên.

          Với cương vị là Hiệu trưởng, Cô đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên quán triệt yêu cầu đổi mới trong bài dạy của từng môn học; coi trọng đổi mới công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp; đổi mới trong phương pháp, dân chủ trong quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh, đặc biệt thực hiện triệt để mục tiêu xây dựng Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long thành Ngôi Trường Hạnh Phúc.

          Với nỗ lực trong vai trò lãnh đạo của người đứng đầu, 10 năm qua Trường luôn đi dầu trong đổi mới giáo dục và là trường tốp đầu trong hệ thống trường tư thục tại Quảng Ninh; đồng thời Nhà trường còn đạt chuẩn quốc gia; được công nhận công tác kiểm định chất lượng mức độ II. Là ngôi trường mà ở đó, tất cả chúng tôi và học sinh luôn cảm thấy hạnh phúc./.

Đăng ký tuyển sinh